Cách mình quản lý tài chính khi đi du học Đức

Chào các bạn,

Rất lâu rồi mình mới quay lại viết Blog, và hôm nay mình muốn chia sẻ một số cách mà mình đang làm để có thể quản lý tài chính cá nhân và chi tiêu một cách hợp lý và hiệu quả. Giới thiệu sơ qua, thì mình là một đứa du học sinh “nghèo” nhưng biết “tự lập”, từ ngày qua Đức tới giờ, chưa bao giờ phải ngửa tay xin ba mẹ một đồng nào, ngoài ra thỉnh thoảng còn mua quà, thuốc men các dịp Tết… cho ông bà, ba mẹ ở nhà. Ngẫm đi ngẫm lại thì không phải tự dưng mà mình làm được điều này, mà đó là kết quả của việc biết quản lý chi tiêu hợp lý. Vậy nên mình cũng muốn chia sẻ ít nhiều những tips đó đến với các bạn.

1.. Ghi lại các khoản chi tiêu và cắt giảm chi phí không cần thiết

Trước đây, mình đã từng đặt câu hỏi: ” Tiền mình tiêu kiểu gì mà nhanh hết?”. Sau khi mình tập được thói quen ghi lại các khoản chi tiêu thì mình đã biết, tiền mình nó đi đâu, từ đó có thể cân bằng được các khoản, cái gì nên cắt giảm, cái gì nên mua, cái gì nên bán.

Lúc đầu, mình dùng sổ tay để ghi lại các khoản. Nhưng sau một thời gian sử dụng thì mình thấy sổ tay không phải phương pháp tối ưu, vì sau khi ghi lại các khoản thì mình lại mất thời gian ngồi tính tổng các khoản đó là bao nhiêu. Mình chuyển qua dùng bảng tính Excel, dùng hàm tính SUM của Excel thì sẽ tiết kiệm được thời gian tính toán.

Cách đây một tháng, mình tìm hiểu được một app tên MoneyLover, là một app quản lý tài chính do người Việt tạo ra, giao diện đẹp, dễ xài, tiện dụng khi chỉ cần mang theo điện thoại mọi lúc mọi nơi và không cần phải có internet vẫn vào được.  Nên giờ mình dùng MoneyLover và thấy khá hài lòng.

Ngoài ra, các bạn cũng có thể dùng bảng tính Google Sheets cũng được.

2.. Hãy mua thứ mình cần, đừng mua thứ mình muốn

Mỗi lần muốn mua đồ, mình luôn đặt câu hỏi: ” Liệu mình có thực sự cần nó?” Mình cũng có thói quen đi mua đồ nhưng chưa mua luôn, mà đợi 1-2 ngày sau nếu vẫn muốn mua thì mới mua, cách này cũng khiến mình kìm hãm cái ham muốn mua cho bằng được lúc ấy. Nhiều người thường nhầm lẫn giữa thứ họ cần và thứ họ muốn. Có những người chọn shopping khi buồn bực hay chán nản là một sự giải toả stress, nhưng chính điều đó lại khiến họ mua những thứ họ muốn, chứ không thực sự cần.

Hay có bạn mua đồ vì thấy bạn của mình có thứ ấy, và mình cũng phải có. Đừng làm vậy, vì bạn chả cần phải gây ấn tượng bằng cách mà không cần thiết như vậy đâu.

3.. Lên kế hoạch mua sắm và săn sale hợp lý

Đợt Black Friday vừa rồi, bạn có mua được gì không? Mình cũng mua được vài món đồ ưng ý, nhưng đó là những món mà mình thấy cần thiết cho mùa đông lạnh lẽo ở Đức này và mình đợt dịp sale này để mua chúng.

Mình cũng có thói quen ghi lại tuần sau sẽ ăn món gì và danh sách những đồ cần mua để đi siêu thị vào mỗi thứ 7, như thế sẽ tránh được tình trạng lãng phí đồ ăn cùng như tiết kiệm được thời gian suy nghĩ mỗi khi vào siêu thị và tránh đau đầu với câu hỏi “Tối nay ăn gì?”

Thêm ý nữa là, hãy dành ra một tuần 1-2 ngày không mua gì cả nhé. Như thế cũng khiến bạn tiết kiệm được một khoản kha khá đó nhé!

4.. Không cần thiết mua sách mới và bán lại sách nếu không dùng nữa

Là sinh viên ở Đức, đồng nghĩa với việc phải tự học, tự nghiên cứu rất nhiều, kèm với đó là việc phải đọc thêm khá nhiều sách. Mình thường hay mượn sách trên thư viện của trường về, mỗi sách sẽ được mượn cả kì, với điều kiện hàng tháng gia hạn. Hoặc những sách bắt buộc phải mua thì mình thường tìm trên cách trang web để mua lại sách cũ như: eBay, rebuy, momox.de … Ngoài ra, có thể hỏi lại các tiền bối khoá trên hoặc tham gia Flohmark của sinh viên trường mình để mua lại sách.

Mình hay bán sách tại eBay, và thường đó là sách tiếng Đức từ hồi mình học STK. Để bán được giá tốt, thì các bạn không nên viết bậy vào sách, hãy ghi chú ra vở của mình và giữ sách sạch sẽ nhất có thể.

5.. Làm thêm việc, kiếm thêm thu nhập

Tất nhiên rồi – Làm thêm là một cách để bạn tăng thêm thu nhập. Mình cũng đã chia sẻ những công việc làm thêm của mình ở Đức, các bạn có thể tham khảo:
2 năm ở Đức, 10 công việc làm thêm

Chỉ cần chăm chỉ và siêng năng, thì việc bạn tự lo cho bản thân là hoàn toàn có thể, hãy cố gắng để sau này nhìn lại, sẽ thấy bản thân đáng tự hào thế nào vì đã tự lập được đến vậy.

6.. Tiết kiệm và học cách đầu tư

Mình có đứa bạn Đức, chơi thân nên nó mới kể, nó bắt đầu học đầu tư từ năm 15 tuổi, tự mua sách về đọc, tiền tiết kiệm do bố mẹ nó cho, rồi tiền thưởng, tiền quà giáng sinh, lễ tết các thứ… và bây giờ thì cái tài khoản của nó cũng đã “rủng rỉnh” tiền rồi. Mình thực sự rất ngưỡng mộ bạn đó luôn.

Với những bạn có khoản tiền lương đều đều hàng tháng, mình nghĩ nên tính toán các khoản chi tiêu hàng tháng, sau đó dành ra một khoản cho vào tài khoản tiết kiệm, đồng thời học thêm các cách đầu tư để sinh ra lợi nhuận. Hãy suy nghĩ tới một tương lai xa và lâu dài hơn!

Kết bài:  Là du học sinh, bị hạn chế số giờ làm thêm, lại ở một đất nước xa lạ, thứ gì cũng đắt đỏ thì chi tiêu hợp lý là một bài toán không hề dễ dàng. Nhưng mình tin, chỉ cần sống với thái độ lạc quan, tích cực, đừng ăn chơi, đua đòi và học cách rèn luyện kỹ năng quản lý tài chính hiệu quả thì chắc chắn không gì là không thể. Chúc các bạn thành công với những tips của mình chia sẻ nhé!

10 comments

    1. Lúc học STK thì mỗi măm 1 lần, còn vô Uni rồi thì 2 năm 1 lần em ạ.
      Tùy Sở ngoại kiều thì số tiền cần phải có trong tài khoản khác nhau, phải là Sperrkonto hay chỉ cần Kontoauszug.
      Thành phố chị ở thì chỉ cần Kontoauszug với Tài khoản vài ba ngàn euro là đc. Còn có chỗ thì bắt buộc phải là tài khoản khóa.
      Đi làm thì em sẽ có tiền tự trang trải mà k cần dùng tới số tiền trong tài khoản chứng minh tài chính ban đầu.

  1. Hallo chị,
    blog của chị rất hữu ích đối với em ạ. Cảm ơn chị và những chia sẻ của chị nhiều.
    Nhân tiện chị có thể giới thiệu một số địa chỉ hay là các trang web để tìm việc làm thêm không ạ ? Em cũng đang học ở Karlsruhe giống chị ạ

    1. Hallo em,
      ở Karlsruhe thì dễ có cơ hội gặp nhau rồi, thỉnh thoảng hội sV tổ chức gặp mặt, có thời gian thì tham gia cho vui nhé.

      Tìm việc làm thêm thì có nhiều cách lắm: tới trực tiếp hỏi, hoặc nộp đơn qua online, mấy trang tìm việc như indeed, stepstone… Mấy blog phía dưới chị cũng chia sẽ những công việc chị làm với tìm như thế nào rồi. Em đọc để có thêm kinh nghiệm nha 😀

  2. Bạn ơi có thể cho mình biết chi phí sinh hoạt khi đi du học Đức có cao không bạn. Một thánh tầm bao nhiêu tiền sinh hoạt ạ?

    1. Mình có viết sẵn 1 Blog rồi. Bạn tìm là thấy.
      Chi phí sinh hoạt phụ thuộc từng thành phố lớn hay nhỏ, và cách chi tiêu của mỗi người nữa bạn nhé

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *