Du học Đức: Chi phí sinh hoạt hàng tháng của mình tại Đức

Một trong những câu hỏi mình nhận được nhiều nhất, đó là chi phí sinh hoạt hàng tháng của du học sinh tại Đức là bao nhiêu? Theo mình thấy, so với một số nước khác thì chi phí sinh hoạt ở Đức khá là hợp lý. Đồng thời với việc du học sinh được phép đi làm, thì vấn đề tự túc tài chính là hoàn toàn có thể. Giờ mình sẽ liệt kê các khoản mình phải chi tiêu hàng tháng ở Đức nhé!

Update từ 09/2021:

1.  Tiền thuê nhà ở Đức + 1 số phí

Đây là khoản chi phí lớn nhất mà mình phải trả hàng tháng. Hiện tại, mình đang ở kí túc xá của trường. Mỗi tháng, số tiền mình phải trả 260€, bao gồm điện, nước và mạng, và hàng tuần sẽ có người tới dọn dẹp vệ sinh cho kí túc xá của mình. Nếu bạn kiếm được nhà rẻ hơn nữa thì khoản tiền nhà sẽ được giảm đáng kể. Nhưng mà mặt bằng chung, giá phòng ở vùng mình ở thế này là khá hợp lý. Vì nhà gần trường, sạch sẽ, thoáng mát và an ninh tốt.

Chi phí giặt đồ: nếu muốn giặt đồ, mình phải trả 1,50€/lần giặt, máy giặt được đặt ở phòng giặt đồ chung của kí túc xá. Mỗi tuần, mình chỉ giặt 1 lần, thành ra 1 tháng hết 6€ nữa.

Tiền Radio: ở Đức, dù nhà bạn không có TV hay Radio, thì vẫn phải trả phí này. 17,50€/ tháng cho một nhà/hành lang. Hiện tại, mình chia tiền với thêm 6 bạn, nên mỗi tháng trả thêm 2,5€ cho tiền Radio.

=> Chi phí ở: 268,50€/ tháng.

2. Tiền Bảo hiểm y tế

Khoản tiền cao thứ nhì phải trả hàng tháng là bảo hiểm y tế (Krankenversicherung). Đây là khoản phí bắt buộc nếu bạn là sinh viên đang học tại Đức. Hiện tại mình dùng bảo hiểm của hãng TK. Mỗi tháng, mình phải trả 110,69€.

3. Tiền điện thoại

Ở Đức, có rất nhiều gói cước điện thoại với giá khác nhau, của nhiều nhà mạng khác nhau. Tuỳ vào mục đích và tần suất sử dụng mà các bạn có thể lựa chọn gói cước phù hợp. Mình đang dùng gói cước 4,99€/ tháng của Premium. 2GB LTE và có thể gọi và nhắn tin miễn phí tới tất cả các mạng. Ở Premium có rất nhiều gói cước, tùy từng đợt sẽ có những gói khác nhau. Bạn nhớ chọn “

Bạn có thể tham khảo tại: premiumsim.de

4. Tiền ăn ở Đức

Với mỗi người thì chi phí ăn uống sẽ khác nhau. Trong kỳ, lịch học của mình khá dày đặc, từ 8h sáng tới tối nên buổi trưa, mình thường ăn ở Mensa (căn-tin) của trường với các bạn của mình vì không có thời gian nấu ăn và chuẩn bị. Mình chỉ ăn buổi tối và ăn sáng ở nhà, và cuối tuần thì tự nấu ăn. Thỉnh thoảng, bạn bè sẽ tụ tập với nhau hàn huyên, nói chuyện nữa.
Chi phí ăn uống của mình dao động từ 100-150€/ tháng. Với tiền ăn thì mình sẽ cố gắng ăn đầy đủ chất, cá thịt, có hoa quả, nhiều rau xanh. Đầu tư cho sức khỏe là khoản đầu tư cần thiết nên mình nghĩ không nên quá tiết kiệm cái này.

=> Cứ tính trung bình là 120€ cho tiền ăn uống.

5. Nhu yếu phẩm sinh hoạt + Chi phí phát sinh khác

Bao gồm chi phí mua mỹ phẫm, rồi vật dụng cá nhân dùng cho sinh hoạt như sữa tắm, kem đánh răng, đồ dưỡng da … Mình cũng ko phải đứa mê đồ hiệu nên dùng đồ vừa phải, hợp với túi tiền bây giờ mình làm ra. Ngoài ra còn khoản chi phí không cố định ví dụ, như tiền mua sách vở, tiền du lịch, tiền quà cáp sinh nhật hay thuốc men gửi về cho gia đình, cũng như tiền mua áo quần… Không biết các bạn sao, nhưng tháng nào mình cũng có khoản chi phí phát sinh này, và mình tính trung bình là 50€-100€/ tháng.

Tóm lại, các khoản chi phí tối thiểu mà một sinh viên như mình phải trả là:

  • – Tiền nhà ở: 268,50€
  • – Tiền BHYT: 110,69€
  • – Điện thoại: 4,99€
  • – Tiền ăn: 120€
  • – Nhu yếu phẩm + Chi phí phát sinh: 50€ – 100€

Tổng: 554,18€ – 604,18€, tính theo tỷ giá Euro 27k VNĐ/Euro thì là cỡ 15 – 16,3 triệu/ tháng)

Ngoài ra, chi phí không hàng tháng bao gồm:

  • Gia hạn 2 năm 1 lần là: 100€ (lúc mình học ở dự bị đại học thì được có 1 năm, nhưng bây giờ 2 năm mình mới gia hạn 1 lần)
  • Semesterbeitrag (phí cho trường): 153,69€ mỗi kỳ 6 tháng 1 lần. Trừ bang Baden-Wüttemberg thu học phí 1.500€/kỳ với sinh viên nước ngoài không thuộc khối EU ra, thì đa số các trường Đại học ở Đức sẽ miễn học phí cho bạn, nếu bạn đủ điều kiện theo học ở trường.
  • Chi phí đi lại: là sinh viên mình sẽ được mua vé kỳ (Semesterticket) với giá 168,90€ mỗi kỳ. Hoặc như mình có xe đạp thì đi xe đạp: Tiền mua xe đạp cũ 50€ + đồ bơm xe, ổ khóa, đèn 30€ ( tổng: 80€). 

via GIPHY

Kết bài

Đây là chi phí sinh hoạt hàng tháng của mình, mình cũng không phải là đứa mê mua sắm, mà chỉ mua những thứ cần thiết và mình thực sự cần nên mình thấy max 600€ là mình sống thoải mái, ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng rồi. Tuỳ vào nhu cầu của bạn ít hay nhiều, thì các khoản phí sẽ tăng và giảm theo từng bạn, nó cũng phụ thuộc vào mức độ tiết kiệm của bạn nữa.

Còn nếu bạn thắc mắc là làm thêm có đủ trang trải cuộc sống không? Thì câu trả lời là có nhé! Hiện tại, mình đang vừa học và vừa làm thêm, hoàn toàn tự túc cho cuộc sống của bản thân được.
Các bạn có thể đọc thêm bài viết về các công việc làm thêm của mình để tham khảo nhé: 2 năm ở Đức, 10 công việc làm thêm

Hy vọng, bài viết của mình sẽ giúp các bạn có giấc mơ du học Đức có thêm thông tin tham khảo, và có định hướng rõ ràng hơn về vấn đề tài chính khi đi du học. Cảm ơn các bạn đã đọc bài nhé!


Nếu thích Blog này, hãy Ủng hộ để Blog có thể tiếp túc hoạt động nhé!

Mục Gợi Ý tổng hợp các sản phẩm, dịch vụ mình đang sử dụng. Các bạn có thể tham khảo.

Vui lòng đọc trước mục Cộng tác-Bản quyền trước khi sao chép hoặc trích dẫn nội dung Blog.

15 comments

    1. Tuỳ thành phố thì nó có thể đắt hơn hoặc rẻ hơn bạn ạ. Thành phố mình ở thì ko quá lớn, cũng không quá nhỏ, với cả lương tối thiểu ở Đức năm 2019 là 9,19eu/h ( gần 260 ngàn đồng/h) nên chi phí như thế mình thấy là hợp lý.

  1. Mình thấy nhiều bạn có thể tự trang trải nhưng mà khi đó lại ảnh hưởng việc học. Như mình làm thêm 2 chỗ xong về ko muốn học bài. Lên lớp lại gật gù. May mà mình nhận ra kịp nên toàn nghỉ trc khi thi 2 tháng để ôn bài…

    1. Vấn đề này mình hiểu. Bởi vậy nên mình toàn khuyên các bạn là phải xem sức học của bản thân thế nào, và để vừa học vừa làm thêm thì phải có sức học tốt, có thể không cần nhanh nhưng phải có sức bền.
      Nên biết sắp xếp lịch học và lịch làm thêm cho hợp lý, học cách quản lý thời gian và chăm sóc sức khoẻ nữa. Và dù sao đi nữa, du học thì mục đích chính vẫn là học 😀

    2. Chị ơi, em chào chị ạ
      Em có thắc mắc là nếu chỉ có tiền chứng minh tài chính cho năm đầu tiên. Thì năm đầu mình học dự bị ko đi làm thêm đc, thì chỉ với kỳ nghỉ hè thì ko đủ để cmtc cho năm sau đúng ko ạ?

  2. E cũng may mắn vì đọc được những chia sẻ của chị.
    Nêu c không ngại thì e có thể nhờ chị tư vấn đôi điều không ạ ( e liên lạc với chị bằng gì đây ạ)

  3. dạ chào chị!
    cho em hỏi nếu tính luôn tất cả chi phi sống và học phí thì làm thêm có đủ chi trả khong ạ.
    tại ở trên chị chưa đề cập đến tiền học phí ạ.
    cảm ơn chị

    1. Chỉ có năm đầu là hơi vất vả thôi em ạ, vì lúc đó theo luật là không được phép đi làm, và phải thi đỗ vào 1 trường Dự bị đại học.
      Còn sau khi vào Đại học rồi thì chị thấy đa số các bạn đều tự lập được hết, bản thân chị cũng vậy thôi. Làm thêm đủ trang trải em ạ, nhưng tất nhiên là phải tuỳ lực học mỗi người nữa.
      Về phần học phí thì đa số các trường ĐH ở Đức đều miễn học phí cho sinh viên, chỉ có mỗi một bang Baden-Wüttemberg thu phí thôi. Em cứ tránh bang này ra là đc.

  4. Bài viết khá chi tiết về chi phí sinh hoạt của Du học sinh, mình xin phép được lưu lại và post trên trang web của công ty nếu bạn đồng ý.

    Công ty mình là IECS, chuyên tư vấn du học nghề Đức và đào tạo tiếng Đức tại Tp Hồ Chí Minh.

    Website: https://iecs.vn

    Thân

    1. Chào bạn, cảm ơn bạn đã quan tâm đến Blog của mình. Để tránh việc copy bài viết không ghi nguồn nên mình đã khóa chức năng copy blog của người đọc. Bạn có thể gửi email vào hanh@hanhnguyen.de, mình sẽ gửi bạn bản word để bạn có thể post lên trang web nhé. Mình cũng hy vọng là sẽ được ghi tên tác giả và kèm link blog của mình ở bài viết đó.

  5. Cảm ơn Hạnh rất nhiều. Đọc blog của em chị “vỡ” ra rất nhiều vấn đề, bởi cách viết cụ thể, tỉ mỉ, chính xác và rất bám sát thực tế của em. Chị ngụp lặn trong blog của Hạnh mãi không ra được đây :)). Chị kết bạn fb với em nhé. FB chị là Bảo Châu. Tks em và chúc em một ngày vui.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *