Du học: Học xong, Về hay Ở?

Một trong những câu hỏi mà mình được nhiều bạn bè cả Đức lẫn Việt đều hỏi là ” Lúc nào về VN?” hoặc “Học xong rồi có dự định về Việt Nam không?”. “Về hay Ở lại?” – luôn là chủ đề được bàn tán xôn xao trong group Hội SVVN ở Đức. Hôm nay, mình cũng xin chia sẻ quan điểm của mình về vấn đề này.

Trước tiên, để trả lời câu hỏi này, mình sẽ kể ra những ưu điểm của việc Ở lại hoặc Về ( vì nhược điểm cái này sẽ là ưu điểm cái kia nên mình nghĩ nêu Ưu điểm là đủ rồi). Rồi, bắt đầu nào!

I. Ở lại
1. Cơ hội làm việc ở những tập đoàn lớn
Nước Đức là một nước rất mạnh về kỹ thuật, gắn liền với những cái tên như: VW, Daimler, BMW, Siemens, Bosch… Nếu ra trường, có năng lực và may mắn, thì bạn sẽ được nhận vào làm ở những tập đoàn này. Đó là cơ hội được làm những dự án lớn, làm việc cùng với những team giỏi và chắc chắn chúng ta sẽ học tập được rất nhiều, mở mang kiến thức và tạo dựng được mối quan hệ. Tất nhiên, có bạn sẽ bảo ở VN cũng có chi nhánh của mấy công ty này, nhưng chắc chắn, cách làm việc ở 2 đất nước sẽ rất khác nhau.

2. Môi trường sống
Nếu ở Hà Nội hay Sài Gòn, ra đường bạn phải bịt kín mũi vì không khí quá ô nhiễm ( Link:https://bit.ly/2NSUC0f ) thì ở đây, bạn có thể phơi mặt với đất trời. Mình sinh ra ở vùng quê ven biển Quảng Bình, và từ sau vụ xả nước thải Formosa Hà Tĩnh, tỉ lệ người chết hàng năm ở quê mình vì bệnh ung thư ngày càng cao, dân thì không dám ăn cá đánh bắt gần bờ. Đó chỉ là 1 vài ví dụ trong rất nhiều vụ về vệ sinh an toàn thực phẩm ở VN. Chưa kể, quy hoạch đất đai, xây dựng cũng như thực phẩm sạch, được quản lý triệt để… là những điều mà đất nước chúng ta cần phải học hỏi nhiều. Môi trường sống, chất lượng cuộc sống ở nước ngoài là điều không cần bàn cãi.

3. Nền giáo dục tốt
Ở Đức, việc đi học ở trường công là hoàn toàn miễn phí, bạn chỉ cần phải trả một số tiền khoảng vài trăm Euro hàng năm coi như “phí xây dựng trường” ( Trừ bang Baden-Wüttemberg có thu phí với sinh viên nước ngoài từ năm 2018 còn lại đa số các Bang khác đều là miễn phí). Mình dạy kèm cho một bạn bên này, và qua tiếp xúc thì mình thấy cách giáo dục của Đức thật sự rất tốt. Các kỹ năng như thuyết trình sẽ được dạy từ tiểu học, tư duy phản biện, khả năng tự lập cũng như cách yêu động vật, biết bảo vệ môi trường và giáo dục giới tính… tất cả đều được nhà trường cho vào chương trình học.

4. Mức lương lao động phù hợp
Theo https://www.gehaltsvergleich.com/gehalt thì mức lương trung bình của các ngành nghề trước thuế, như: IT là 3.369 Euro, Kỹ sư phần mềm là 3.996 Euro, Kiểm toán là 4.403 Euro… Lương của các bạn học nghề như Điều dưỡng là 2.852 Euro. Mỗi ngành nghề đều sẽ được trả một mức lương tương xứng với trình độ của bạn.

5. Phúc lợi xã hội tốt
Ở Đức, người đi làm phải đóng thuế rất cao, nếu là một người độc thân thì mức thuế và bảo hiểm các loại sẽ là khoảng 40% lương, nhưng bù lại, đó là nếu bạn có bệnh tật gì nằm viện hay phẫu thuật thì toàn bộ chi phí sẽ được bảo hiểm trả, bạn chỉ phải trả một số tiền rất nhỏ mà thôi. Ngoài ra, nếu được định cư vô thời hạn ( Unbefristet) và sinh con, thì hàng tháng sẽ được nhận Kindergeld- tiền của đứa trẻ.

6. Tác phong làm việc
Bạn mình ra trường ở Việt Nam, kể cho mình không ít chuyện bị đồng nghiệp, cấp trên “đì”, rồi ma cũ bắt nạt mà mới, rồi rất nhiều nơi phải đút lót mới có việc làm… Những câu chuyện dở khóc dở cười khi xin việc. Ở Đức, thì tình trạng này xảy ra rất ít ( tất nhiên là sẽ có nhưng mà hiếm gặp hơn). Mình chưa tiếp xúc môi trường văn phòng ở Đức nhiều, nhưng kinh nghiệm đi làm thêm rất nhiều chỗ của mình, mình thấy người Đức có sự kỹ luật với công việc đáng học hỏi, tôn trọng và tạo điều kiện để người giỏi có cơ hội phát triển hơn. Làm phải ra làm và chơi thì chơi hết mình luôn.

20190325 101530834 iOS 1024x768 - Du học: Học xong, Về hay Ở?
Bánh Mì ở Đức – Ở Đức cũng có không ít cửa hàng Việt Nam

II. Về Việt Nam
1. “Quê hương là quê hương”
Ở Đức có câu “Heimat ist Heimat” tức là “Quê hương là Quê hương”. Dù sao đi nữa, đó cũng là quê hương của mình, nơi mình sinh ra và lớn lên, được nuôi dưỡng bằng tình yêu thương của cha mẹ. Nên dù thế nào, ở đâu, mình cũng vẫn rất yêu Việt Nam. Đó là nơi thân thương, gần gũi, có cha có mẹ, có bạn bè và người thân.

2. Vấn đề hoà nhập
Dù tính cách của mình là một đứa khá dễ gần và cởi mở, bạn bè người Đức mình cũng có, nhưng mình thỉnh thoảng vẫn cảm thấy xa lạ và lạc lõng lắm. Đó là khi bạn nhìn thấy một ánh mặt lạnh lùng của người trên tàu hay chạnh lòng khi bạn không thể phát biểu trôi chảy ý kiến của bản thân… Là những ngày Tết, bạn nhớ VN đến phát điên. Là những ngày bạn thèm nói tiếng Việt, thèm ý ới ” mô chi răng rứa” với lũ bạn… Rất nhiều bạn bảo với mình là cuộc sống ở Đức buồn tẻ và nhàm chán, đó là vì “Hoà nhập cuộc sống phương Tây chưa bao giờ là điều dễ dàng cả”.

3. Cơ hội Khởi nghiệp
Rất nhiều anh chị mình quen, học xong và về VN chọn con đường khởi nghiệp “Start-up” đã, đang và sẽ thành công. Nếu ở Đức, rất khó để khởi nghiệp với ý tưởng công nghệ vì người giỏi ở Đức cực kì nhiều, rồi ngay từ lúc sinh viên cũng có những câu lạc bộ khuyến khích sinh viên khởi nghiệp, thì ở Việt Nam thực sự là một thị trường tiềm năng để khai thác. Nước ta có nguồn nhân công dồi dào, các bạn trẻ cũng đầy đam mê, nhiệt huyết và cũng có vốn kiến thức được đào tạo tốt.

Tóm lại: “Về hay Ở” là quyết định mang tính cá nhân. Vì hoàn cảnh mỗi người một khác nhau, và bạn không thể dùng hệ quy chiếu của bạn để áp đặt lên người khác. Có thể với người này, ở Đức sẽ tốt hơn vì họ muốn tốt cho họ và cho tương lai con cái họ; nhưng với người kia, họ lại hợp cuộc sống ở Việt Nam, nơi mà chúng ta được nói tiếng mẹ đẻ, được về với vòng tay yêu thương của gia đình.
Và dù lựa chọn thế nào, thì chúng ta đều hướng tới mưu cầu hạnh phúc. Sống ở đâu cũng được, miễn sao nơi đó mình hạnh phúc là được.

Và mình, hiện tại thì chắc chắn mình sẽ tiếp tục ở Đức để hoàn thành chương trình học của mình. Nhưng còn tương lai… thì câu trả lời của mình sẽ là “Mình chờ một cơ hội.” Về hay Ở, thì hãy để thời gian trả lời.


9 comments

  1. Mình cũng đi du học Đức và trở về rồi. Lúc đưa ra quyết định cũng đắn đo lắm. Về nhà cũng mất 1 khoảng thời gian mới lấy lại nhịp được. Nhưng sau 1 thời gian đã dần quen và thấy hoà nhập lại. Tuy nhiên vẫn chưa tìm đc việc phù hợp như ý mình.
    Kết bạn vs mình qua fb nhé 🙂

    1. Cũng nhiều bạn gửi lời mời kết bạn nên mình cũng k biết bạn là ai cả, bạn có thể inbox mình trước rồi mình sẽ accept, vì FB nhiều post mình để cho bạn bè mình đọc thôi nên cũng k thích kết bạn lung tung 😀

      À, tặng bạn câu này: “Làm công việc kiếm ra tiền thì dễ, làm công việc mình thích cũng dễ. Nhưng làm được công việc mình vừa thích, vừa kiếm ra tiền, thì thực sự rất khó.” Mà thường thì khó mới quý, nên mình chúc bạn vững tin và mạnh mẽ để theo đuổi tới cùng con đường mà bạn chọn nhé!

  2. Ở Việt Nam, đi làm công ty đúng là vàng thau lẫn lộn, mỗi nơi mỗi kiểu, trừ những công ty nước ngoài ra thì van hóa doanh nghiệp nước ngoài còn đỡ ,chứ những cty khác mình cũng thấy mỗi nơi mỗi kiểu, đi làm nhiều khi 9 người mười ý nữa. Đâu đá, lo quyền lợi riêng cũng có, v.v.thi phi cũng đầy.

  3. Mình cũng đi du học Đức nhưng về rồi. Có công việc tốt hơn, nhưng khi ở bên Đức quan rồi quay về Việt nam như một thế giới khác. Phải cố gắng rất nhiều

    1. Cảm ơn chia sẻ của bạn. Đúng là mỗi người có một hoàn cảnh khác nhau, và tùy từng thời điểm mà bản thân lựa chọn quyết định phù hợp với mình lúc đó.
      Hy vọng bạn sẽ vững tin với các quyết định của chính bạn lựa chọn nhé!

    1. Mình có biết chương trình học này. Kiểu mấy tháng đi học, rồi mấy tháng học việc và làm ở các cty.
      Điều kiện là phải nhận đc Zulassung của 1 trường Duale Hochschule đồng thời là đc nhận đc hợp đồng của cty đồng ý nhận bạn.
      Thường để nhận đc suất học thì phải đăng kí trước từ 6 tháng đến 1 năm và thành tích học cũng phải tốt đó.

  4. Anh năm nay 36t rất muốn được sang định cư Đức. Cũng bởi trái tim quá mệt mỏi và nhiều tổn thương (từ gia đình, bạn bè, ng đã từng yêu, rồi cv không được thuận lợi). Mong muốn 1 môi trường mới, chấp nhận vất vả và bỏ lại quá khứ để có 1 tương lai tốt hơn cho con cái sau này. Cũng khá nhiều băn khoăn, anh tính du học nghề sau đó lấy bằng thạc sĩ (a đã tốt nghiệp đh năm 2011). Có thể cơ hội nghề nghiệp vs tấm bằng đó mong manh nhưng mong muốn thay đổi và có 1 tương lai tốt hơn cho con cái cứ luôn thôi thúc bản thân.

    1. Hi anh,
      Giờ em mới trả lời bình luận của anh được.
      Ngành anh làm có liên quan kỹ thật, IT gì ko? Nếu có thì anh apply thẳng job bên Đức xem thế nào.
      Nếu anh có tiếng anh tốt và điểm tốt nghiệp GPA đại học oki thì em nghĩ anh có thể xem xét đi du học bậc thạc sĩ luôn.
      Nếu du học nghề, anh phải học tiếng Đức 1 năm, học nghề 3 năm và sau đó phải làm đúng nghề 2 năm để đc thẻ định cư vô thời hạn vì visa của a là visa học nghề, rồi sau đó a mới có thể tiếp tục học thạc sĩ được.
      Chúc anh chọn được hướng đi phù hợp nha!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *