Phỏng vấn việc làm ở Đức

Nhân một ngày rất vui nên mình viết vài dòng, chia sẻ lại mấy cuộc phỏng vấn vị trí Werkstudent của mình với các bạn. Hy vọng những bạn đang tìm việc Werkstudent/ Praktikum đọc được sẽ có thêm thông tin tham khảo.

Mình nộp 5 chỗ và được 4/5 chỗ mời phỏng vấn. Trong đó có 1 phỏng vấn qua điện thoại với HR và 3 phỏng vấn còn lại là video với Sếp „tương lai“. Tất cả đều bằng tiếng Đức.

1. PHỎNG VẤN QUA ĐIỆN THOẠI VỚI HR

Vị trí: Werkstudent Data Analytics
Lúc đó đang ngồi ở nhà thì có cuộc gọi đến, mình nhớ là có 1 chị nào đó trên hội chỉ cách là trì hoãn. Mình đã áp dụng và nói là mình đang đi trên đường, tí nữa mới về. 2 bên thống nhất sau đó 1 tiếng sẽ gọi lại. Trong thời gian này mình coi lại vị trí, các câu hỏi cũng như chuẩn bị tinh thần.

Những câu HR đã hỏi mình chủ yếu xoay quanh:

– Công việc ở công ty cũ mình làm những gì

– Mấy cái tools mình ghi trong CV mức độ thành thạo thế nào

– Học ngành gì, tại sao lại chọn ngành này?

– Muốn phát triển thêm kỹ năng gì khi làm việc ở công ty mới

– Mức lương mong muốn bao nhiêu?

… Sau đó vài ba hôm, thì mình nhận được câu trả lời là từ chối.

2. PHỎNG VẤN VỚI HEAD OF DEPARTMENT

Vị trí: Werkstudent Web analytics & Reportings
Phỏng vấn kéo dài 1 tiếng. Đầu tiên, ông Sếp giới thiệu về bản thân ông ý. Sau đó là nói về vị trí và công việc mình sẽ làm. Rồi mới đến phần mình giới thiệu bản thân.

Tất cả những gì mình viết ở trong CV đều đc hỏi hết:

– biết gì về công ty, sản phẩm của công ty

– công việc trước đó của mình

– ngành học: tại sao lại chọn ngành này

– các hoạt động ngoại khóa ( mình làm vị trí nào, học đc gì từ nó)

– các kỹ năng mình liệt kê trong CV (hỏi từng cái, mức độ thành thạo như thế nào)

– điểm mạnh, điểm yếu

– mình đã từng mâu thuẫn với đồng nghiệp chưa, giải quyết thế nào?

– mình đón nhận lời nhận xét từ người khác như thế nào?

– bạn sẽ làm gì nếu mắc lỗi?

– Bạn bè của bạn miêu tả bạn là người như thế nào?

– hỏi luôn cả sở thích của mình

… Và sau đó là câu hỏi quen thuộc “Bạn có câu hỏi gì nữa không?”. Trong lúc phỏng vấn thì mình cũng có nói qua nói lại, bày tỏ quan điểm, ý kiến. Chứ ko phải chỉ là ông ý hỏi, mình trả lời.

Đây là ông Sếp mình có cảm tình nhất, và phỏng vấn xong mình thấy khá là thoải mái, như kiểu là nói chuyện trao đổi thui. Trong lúc phỏng vấn, mình cũng cho ông ý xem 2 cái báo cáo mình làm bằng Power BI (do vị trí mình nộp cần tool này).

-> Kết quả: sau 2 tuần chờ đợi, thì mình đã nhận được offer.

3. PHỎNG VẤN VỚI TECHNICAL DIRECTOR

Vị trí: Werkstudent Business Intelligence
Phỏng vấn kéo dài 1 tiếng bằng tiếng Đức. Đầu tiên, vẫn là phần giới thiệu bản thân của Sếp, công ty làm gì, sản phẩm gì và vị trí, công việc của mình sắp tới. Sau đó, là phần giới thiệu của mình. Tiếp đến, ông Sếp hỏi mình về ngành học, biết lập trình không, khả năng lập trình thế nào…

Phần ông Sếp hỏi chắc chỉ tầm 20 phút. Sau đó ông hỏi mình luôn “Bạn có câu hỏi gì không?”. Mình nghĩ đây là phần lấy được điểm của ông Sếp. Mình là người chủ động đặt câu hỏi hơn 40 phút còn lại. Và từ lúc này thì mình cảm nhận là mình đang là người dẫn câu chuyện nên phát triển như thế nào.

Vì trong mô tả công việc có ghi là trong team sẽ giao tiếp bằng tiếng Anh nên mình cũng hỏi lại câu này. Ngay lập tức, ông Sếp chuyển sang nói tiếng anh. Mình cũng chủ động nói tiếng anh theo câu chuyện luôn.

Vì vị trí này khá thiên về bên IT, nặng hơn về tech nên mình hỏi rất kỹ về công việc. Vì những công việc trước của mình không liên quan đến lập trình. Mình cũng cố gắng giữ nhịp cuộc nói chuyện vui vẻ và thoải mái. Lúc gửi lịch phỏng vấn, bên HR ghi là từ 14 – 15h, nhưng sau 1 tiếng, ông Sếp có vẻ vẫn muốn nói chuyện với mình. Ông lại hỏi tiếp “Bạn còn câu hỏi gì nữa không?”. Mình hỏi 1 câu cuối cùng về bước tiếp theo sau khi phỏng vấn xong. Và kết thúc cuộc nói chuyện.

-> Kết quả: thứ 4 phỏng vấn thì thứ 2 tuần sau đó, mình được HR gọi thông báo offer.

4. PHỎNG VẤN VỚI HEAD OF DEPARTMENT

Vị trí: Werkstudent Controlling, Fokus Power BI
Phỏng vấn kéo dài 30 phút. Đầu tiên cũng là phần giới thiệu của ông Sếp, sau đó tới mình. Và mình cũng cho ông xem 2 cái báo cáo mình chuẩn bị như cuộc phỏng vấn 2.

Các câu hỏi cũng tương tự như phía trên. Nhưng đây mới chỉ vòng 1, sau đó mình được yêu cầu làm thêm 1 Online Assessment. Phỏng vấn chiều thứ 6, thì thứ 2 tuần sau đó mình nhận đc link làm bài Test.

Bài Test diễn ra trong 45 phút, gồm 4 phần chính, mình làm bằng tiếng Đức:

– Phần 1: cho 7 bảng và biểu đồ. Các câu hỏi về tính toán, số học liên quan đến bảng và biểu đồ đó. Mình thấy không khó (phải nói là dễ thì đúng hơn) nhưng mất thời gian vì mình phải chuyển đổi liên tục giữa các cái bảng để xem.

– Phần 2: tương tự như trò Sudoku, nhưng thay vì điền số thì ở đây điền hình tròn, vuông, tam giác, ngôi sao…

– Phần 3: tìm quy luật của hình được cho … trung bình 30s giải quyết 1 bài. Coi khả năng tư duy logic của ứng viên thế nào. Cái này mình làm còn dư mấy chục giây luôn, chắc do hay chơi đố mẹo nên game này easy :))

– Phần 4: Họ cho mình gần 40 cái Mail. Sau đó nhiệm vụ là phân chia mức độ quan trọng của công việc đó, nên chuyển cho Sếp hay chuyển cho đồng nghiệp khác…. Chủ yếu là khả năng đọc hiểu và sắp xếp công việc.

Cái mình thấy khó nhất trong bài Test là phải làm thật nhanh và chính xác. Vì tính ra trung bình mỗi câu hỏi, mình chỉ có 30s để đọc bài và suy nghĩ điền đáp án. Đây cũng có thể là cách mà công ty muốn kiểm tra khả năng giải quyết vấn đề khi làm việc dưới áp lực thời gian như thế nào.

-> Kết quả: thứ 2 làm bài Test xong thì thứ 5 mình được chính ông Sếp phỏng vấn mình gọi điện thông báo. Ông bảo kết quả bài Test của mình rất tốt và ổng rất hài lòng. Cuối cùng là mình cũng nhận được offer chỗ này luôn.

CHUẨN BỊ TRƯỚC KHI PHỎNG VẤN

Trước ngày phỏng vấn, mình có gọi điện và phỏng vấn thử với chị Trúc Truc Trinh (chị Trúc đang làm HR ở Đức) để chị cho kinh nghiệm. Và chị đã góp ý giúp mình phần giới thiệu bản thân nên nói như thế nào cho nó giống văn nói hơn là văn viết. Cảm ơn chị Trúc rất nhiều.

Trước khi nộp vị trí mới thì mình đã có 2 Werkstudent + 1 Praktikum (tại cùng 1 công ty) trước đó, cũng như mình đầu tư nhiều thời gian để viết CV + Anschreiben, đồng thời nộp cả Arbeitszeugnis và tất cả chứng chỉ các khóa học online của mình. Đó cũng là lý do mình nghĩ mình được 4/5 chỗ gọi phỏng vấn. Và mình chỉ tập trung nộp những vị trí mình thấy phù hợp với mình, chứ không rải đơn.

Quan trọng nhất trong lúc phỏng vấn là bình tĩnh, tự tin, nói năng rõ ràng, thể hiện được sự ham học hỏi của mình.

Nếu bạn là sinh viên chưa có kinh nghiệm làm việc thì có thể học thêm các khóa học online, có chứng chỉ càng tốt… Đừng ngại việc đi làm bị điểm thấp, mấy công ty mình phỏng vấn mình không nộp bảng điểm luôn. Mình làm Werkstudent từ kì 1, bắt đầu từ công việc văn phòng rất đơn giản, công ty cũng nhỏ xíu, rồi từ từ mà cố gắng, mà phát triển dần.

Nghe có vẻ hơi tâm linh, ngay cái hôm mình đi cắt tóc để hiến tặng thì về nhà mình nhận đc lời mời phỏng vấn của chỗ mình thích nhất và bây giờ mình được offer luôn, nên mình tin là nếu bản thân làm được điều tốt đẹp thì vũ trụ sẽ gửi lại điều may mắn cho mình. Và đó cũng là lý do mình viết Blog này và chia sẻ những gì mình biết cho mọi người.

Úi, bài dài quá rồi. Hy vọng bài viết này sẽ giúp bạn được phần nào đó. Cảm ơn các bạn đã đọc bài!

Đọc thêm: Quá trình tìm việc của du học sinh ở Đức

Cách mình viết CV để có được công việc như thế nào: Cách viết CV


Nếu thích Blog này, hãy Ủng hộ để Blog có thể tiếp tục hoạt động nhé!

Mục Gợi Ý tổng hợp các sản phẩm, dịch vụ mình đang sử dụng. Các bạn có thể tham khảo.

Vui lòng đọc trước mục Cộng tác-Bản quyền trước khi sao chép hoặc trích dẫn nội dung Blog.

5 comments

  1. Chị có thể cho em hỏi là chị đã tìm cách cơ hội internships ở đâu không ạ? Em cảm ơn chị, bài viết quả thực truyền cảm hứng quá ạ 😀

    1. Sorry chị, em vừa nhắn xong thì nhìn thấy bài chị chia sẻ cách tìm việc, mà không biết làm thế nào để xóa bình luận trước đó. Tay nhanh hơn não mất rồi, nhưng em cảm ơn ơn chị nhiều 😀

  2. Chào bạn, cho mình hỏi là mình làm hoạt động ngoại khoá nhưng k nhận đc chứng nhận đã làm, vậy mình có nên ghi trong CV k?

    1. Cứ ghi vào bạn ạ. Cái quan trọng là lúc phỏng vấn bạn có thể kể đc bạn làm gì, học đc gì từ hoạt động đó. Có chứng nhận càng tốt, còn không cũng chẳng sao

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *