Đầu tư ETF ở Đức: những thuật ngữ bạn cần biết trước khi đầu tư

Khi nói đến đầu tư chứng khoán, chắc hẳn nhiều bạn nghĩ ngay tới Cổ phiếu, vì cổ phiếu là hình thức đầu tư phổ biến nhất. Nhưng ngoài cổ phiếu (stock), chứng khoán còn có trái phiếu (bond), phái sinh (derivaties), ETF (Exchang-Traded Fund) và một số sản phẩm khác.

Bài viết hôm nay của mình sẽ tập trung vào đầu tư ETF ở Đức: Cách đọc đúng tên ETF và những thuật ngữ bạn cần biết trước khi đầu tư.

Lưu ý: mình không phải chuyên gia tài chính hay chuyên gia đầu tư chứng khoán. Bài viết này không nhằm mục đích khuyên bạn phải mua loại ETF nào, mà chỉ là chia sẻ kinh nghiệm của mình. Vậy nên, hãy đọc bài viết với tâm thế “tham khảo”. Mọi quyết định phải do bạn tự cân nhắc và đưa ra.

Bài viết sẽ dùng cả tiếng Đức và tiếng Anh. Vì nhiều thuật ngữ sẽ khó có thể giải thích sang tiếng Việt nên mình sẽ giữ đúng nguyên bản của nó. Và cố gắng giải thích theo cách mình hiểu.

ETF là gì?

ETF (Exchange-traded fund) quỹ hoán đổi danh mục là quỹ UCITS theo dõi một chỉ số như FTSE 100 hoặc EURO STOXX 50 và giao dịch như một cổ phiếu. ETF kết hợp lợi ích của quỹ và cổ phiếu trong một chứng khoán.

Theo justETF:
“An exchange-traded fund (ETF) is a UCITS fund that tracks an index like the FTSE 100 or EURO STOXX 50 and trades like a share. An ETF combines the benefits of a fund and a share in one security.”

Định nghĩa như thế này đọc vẫn hơi khó hiểu. Mình sẽ viết lại ha.

ETF là một hình thức quỹ đầu tư thụ động mô phỏng theo một chỉ số (Index) cụ thể. Danh mục ETF là một rổ gồm nhiều loại chứng khoán, có thể là cổ phiếu, hay trái phiếu của nhiều công ty khác nhau.

Ví dụ: S&P 500 là chỉ số chứng khoán (Index) được dựa trên vốn hóa của 500 công ty lớn nhất nước Mỹ. Vậy ta có một trong số các ETF mô phỏng chỉ số này, ví dụ là: iShares Core S&P 500 UCITS ETF USD (Acc)

Khi bạn đầu tư vào 1 ETF nào đó, nghĩa là bạn đang đầu tư vào nhiều công ty thuộc nền kinh tế (ví dụ: Mỹ, châu Âu, châu Á…) hoặc lĩnh vực kinh tế (ví dụ: công nghệ, tài chính, môi trường…) mà mình quan tâm thay vì phải chọn từng cố phiếu của các công ty riêng lẻ.

Khi mới bắt đầu tìm hiểu ETF, chắc hẳn bạn sẽ bị choáng ngợt, bởi cái tên của nó siêu dài. Ví dụ  iShares Core MSCI World UCITS ETF USD (Acc) hay iShares Core S&P 500 UCITS ETF USD (Dist).

Các chữ viết tắt này có ý nghĩa gì? Một khi bạn hiểu được ý nghĩa đằng sau nó, bạn sẽ rất dễ dàng chọn được ETF mà bạn mong muốn.

Mình lấy ví dụ: iShares Core S&P 500 UCITS ETF USD (Dist)

ten etf dau tu o duc 724x1024 - Đầu tư ETF ở Đức: những thuật ngữ bạn cần biết trước khi đầu tư

1. ETF Anbieter – nhà cung cấp ETF

Chữ viết tắt đầu tiên, ở đây là “iShares“, là viết tắt của nhà cung cấp ETF. Nếu bạn muốn mua ETF thì tất nhiên bạn cần biết nơi cung cấp ETF cho bạn là ai, đúng không?

Trong trường hợp này, đây là một sản phẩm của Blackrock được biết đến dưới cái tên iShares. Blackrock là nhà quản lý tài sản (Vermögensverwalter) lớn nhất trên thế giới.

Với ETF từ các nhà cung cấp khác, bạn có thể xác định nhà cung cấp dễ dàng hơn. Ví dụ, ETF của Vanguard luôn bắt đầu bằng “Vanguard” và của Amundi với “Amundi”.

Một số nhà cung cấp ETF ở Đức:

  • Amundi
  • Blackrock Asset Management (iShares)
  • Deka (Sparkassen)
  • Invesco
  • Lyxor (ComStage, Lyxor)
  • Pimco
  • State Street
  • UBS Exchange Traded Funds
  • Vanguard
  • Xtrackers (Deutsche Bank)

Cá nhân mình thấy không nhất thiết phải nhìn vào nhà cung cấp khi mua ETF. Các tiêu chí quan trọng hơn đối với mình là: Index gì, chi phí và Tracking Difference. Những thuật ngữ này mình sẽ giải thích sau.

Trong ví dụ iShares Core S&P 500 UCITS ETF USD (Dist), sau ETF Anbieter là từ “Core“.

Core có ý nghĩa gì với ETF? Core là một từ đặc biệt của iShares, chỉ dành riêng cho công ty đó: Dòng Core bao gồm mười hai ETF cổ phiếu và trái phiếu phổ biến nhất của Blackrock, được coi là “long mạch” của công ty.

Vì vậy, với mình, nó mang ý nghĩa marketing, nghe từ Core (cốt lõi) có vẻ “soang” ý. Và từ Core này chỉ xuất hiện trong một số quỹ. Vậy nên, tụi mình có thể bỏ qua từ này.

2. Index – chỉ số chứng khoán mà ETF mô phỏng

Tiếp theo là chỉ số chứng khoán, chỉ số mà ETF mô phỏng lại. Cái này với mình là phần quan trọng nhất. Trong ví dụ của mình là S&P 500.

S&P 500 là chỉ số mô phỏng lại 500 công ty lớn nhất ở Hoa Kỳ.

Một số chỉ số mà bạn sẽ hay gặp là: MSCI World, MSCI Emerging Markets, FTSE All World.

  • MSCI Word: chỉ số đại diện cho gần 1.600 công ty lớn và vừa đến từ 23 quốc gia phát triển trên thế giới
  • MSCI EM (Emerging Markets): chỉ số đại diện cho gần 1.400 công ty lớn và vừa đến từ 24 quốc gia đang phát triển trên thế giới
  • FTSE All-World: chỉ số đại diện cho các công ty từ các nước phát triểnđang phát triển trên thế giới

Ngoài các chỉ số chứng khoán phổ biến, hiện giờ còn có lựa chọn đầu tư vào chỉ số xanh, chỉ số bền vững. Trong tên của ETF này sẽ xuất hiện ESG Screened hoặc ESG Enhanced.

E: Environment, S: Social và G: Governance

Ví dụ: iShares MSCI World ESG Screened UCITS ETF

3, UCITS – quy định của EU đối với ETF

Đối với tất cả các ETF được chấp thuận ở Châu Âu, chữ viết tắt “UCITS” đứng ngay sau Index.

Vậy UCITS có nghĩa là gì trong ETF? Nó là viết tắt của cụm từ Undertakings for Collective Investments in Transferable Securities (“Cam kết đầu tư tập thể vào chứng khoán có thể chuyển nhượng”).

UCITS đặt ra các yêu cầu mà các quỹ ở Châu Âu phải tuân thủ. Ví dụ: ETF phải được giám sát bởi BaFin (Cơ quan giám sát tài chính liên bang)

Quy định này đặt ra để bảo vệ các nhà đầu tư. Nên lúc chọn ETF, mình sẽ ưu tiên chọn những ETF có cụm từ này.

4. Đơn vị tiền tệ của ETF

Chữ viết tắt “USD” trong tên iShares Core S&P 500 UCITS ETF USD (Dist) là viết tắt của đô-la Mỹ, tương tự “EUR” là viết tắt của euro. Tuy nhiên, mục này không phải lúc nào cũng xuất hiện.

Vậy tại sao tiền tệ của ETF lại quan trọng như vậy? Dù nó là USD nhưng bạn vẫn có thể mua nó bằng đồng EUR trên một sàn giao dịch chứng khoán của Đức mà?!

Vấn đề cần lưu ý ở đây là rủi ro tiền tệ. Điều này có những ảnh hưởng sau đây, ví dụ: Bạn mua một quỹ ETF được định giá bằng USD trên một sàn giao dịch chứng khoán của Đức (ở Đức xài bằng đồng EUR). Với đồng EUR mạnh, bạn nhận được nhiều cổ phiếu ETF hơn so với đồng EUR yếu. Nếu giá trị của đồng USD giảm trong khoảng thời gian bạn bán ETF, bạn sẽ nhận được lợi nhuận ít hơn so với lúc tỷ giá giữ nguyên.

Tất nhiên, rủi ro tiền tệ cũng có thể được coi là một cơ hội tiền tệ nếu ta biết lựa chọn đúng thời điểm để mua và bán. Mặc dù chênh lệch giữa USD và đồng EUR hiện tại là khá thấp, nhưng chúng ta cũng vẫn nên để ý đến vấn đề này.

5. Acc và Dist: Làm gì với cổ tức ETF?

Ở cuối tên của ETF ví dụ iShares Core S&P 500 UCITS ETF USD (Dist) là chữ viết tắt “Dist”. Trái ngược với nó là “Acc”. Vậy “Dist” và “Acc” là viết tắt của gì trong ETF?

“Dist” là viết tắt của distributing (phân chia). Trong khi “Acc” là accumulating (tích lũy).

Tiếng Đức là ausschüttende và thesaurierende ETFs.

Dist hay Acc liên quan đến việc sử dụng lợi nhuận của ETF, hay nói một cách đơn giản: ETF làm gì với cổ tức của nó?

Cổ tức (Dividend) là một phần lợi nhuận sau thuế được chia cho các cổ đông của một công ty cổ phần. Cổ tức có thể được trả bằng tiền, cổ phiếu.

Với quỹ Dist., nhà cung cấp quỹ trả cổ tức cho bạn vào một ngày cố định tại một khoảng thời gian cụ thể. Trong nhiều trường hợp, là mỗi quý một lần. Nhưng cũng có những nhà cung cấp ETF chỉ thanh toán mỗi năm một lần. Nếu bạn đầu tư vào nhiều ETF Dist. riêng lẻ, bạn có nhiều khả năng nhận được cổ tức hơn.

Mặt khác, với ETF tích lũy (ETF Acc), bạn sẽ không nhận được cổ tức gửi vào tài khoản của bạn. Thay vào đó, các nhà cung cấp quỹ sẽ tự động tái đầu tư cổ tức và mua thêm cổ phiếu các công ty trong chỉ số mà bạn đang mua. Hình thức ETF này sẽ lý tưởng cho các nhà đầu tư muốn tích lũy tài sản lâu dài, đầu tư dài hạn.

Vì 2 loại quỹ có những cách tính thuế khác nhau và kiến thức còn rất nhiều nên mình sẽ viết trong các bài viết tiếp theo. Các bạn nhớ bấm theo dõi nhé! Mail thông báo sẽ được gửi về tự động cho các bạn.

5. physische và synthetische Replikation

Sau khi chúng ta đã xem qua tất cả các phần về tên và chữ viết tắt của ETF, bạn chỉ còn thiếu một vài thuật ngữ để có cái nhìn tổng quan đầy đủ trước khi mua. Một trong số đó là phương pháp mô phỏng (Replikationsmethode). Hiểu đơn giản là cách một ETF mô phỏng chỉ số.

2 khái niệm chúng ta cần biết ở đây, là: mô phỏng vật lý (physisch) và tổng hợp (synthetisch)

Với physische Replikation (Physical ETF): quỹ ETF sẽ cố gắng mô phỏng chính xác 1:1 với các cổ phiếu có trong chỉ số Index. Ưu điểm của phương pháp sao chép này là độ chính xác vì chỉ số được mô phỏng giống hệt đến từng giá trị.

Với các chỉ số nhỏ, chẳng hạn như chỉ số DAX với 40 cổ phiếu, việc mô phỏng physisch thường không phức tạp. Nhưng nếu con số này là vài nghìn cổ phiếu thì tất nhiên việc mô phỏng sẽ tốn thời gian hơn và do đó chi phí sẽ đắt hơn. Lúc này, người ta sẽ sử dụng một phương pháp khác gọi là synthetisch.

Với synthetische Replikation (synthetic ETF): quỹ không đầu tư trực tiếp vào các cổ phiếu có trong chỉ số mà thông qua các công cụ phái sinh (Derivate) – chẳng hạn như Tauschgeschäfte (Swap). Nhà cung cấp ETF sẽ thỏa thuận với một đối tác (thường là ngân hàng) và đối tác hứa rằng Swap sẽ trả lại giá trị tương ứng mà ETF đang theo dõi.

Swap là gì? Các bạn có thể đọc tại đây: Swap

Phương pháp này thường rẻ hơn so với physisch.

image 22 1024x466 - Đầu tư ETF ở Đức: những thuật ngữ bạn cần biết trước khi đầu tư
Bảng so sánh điểm mạnh và yếu của 2 loại ETF. Nguốn testsiegerkonto.de

Theo scalable capital thì ETF physisch thường được yêu thích hơn so với ETF synthetisch.

6. TER: Total Expense Ratio

Chi phí vận hành của một quỹ ETF còn được gọi là Total Expense Ratio (TER). Mình thấy thuật ngữ này hơi gây hoang mang vì nó không bao gồm tất cả các chi phí của một quỹ ETF như tên của nó Total Expense. Chi phí mở Depot hay phí mua bán ETF không tính trong TER.

TER bao gồm, ví dụ: phí giấy phép, phí quản lý hoặc chi phí cho kiểm toán – tức là mọi thứ phát sinh cho hoạt động của ETF.

TER của một quỹ ETF thường từ 0,2% đến 0,7% giá trị quỹ.

Cũng có các quỹ ETF với TER chỉ 0,05%. Lúc chọn ETF thì TER càng nhỏ sẽ càng tốt. Tuy nhiên, bạn không chỉ nên tìm ETF có TER rẻ nhất mà còn nên để ý đến Tracking Difference của nó nữa.

dau tu etf 1024x398 - Đầu tư ETF ở Đức: những thuật ngữ bạn cần biết trước khi đầu tư
Kiểm tra các chỉ số tại: justetf.com

7. Tracking Difference

Chỉ số quan trọng tiếp theo là: Tracking Difference (TD, tiếng Đức là Tracking-Differenz) cho biết ETF đã sai lệch bao nhiêu so với chỉ số Index mà nó mô phỏng trong năm. Ví dụ: nếu một Index cho lợi nhuận 10% và ETF chỉ là 9% thì TD sẽ là 1% (0,01).

TD dương cho thấy Performance của ETF kém hơn Index. Mặt khác, TD âm có nghĩa là ETF đã “đánh bại” Index. Do đó, TD càng thấp (càng âm) là mong muốn của nhà đầu tư ETF.

Trang web so sánh Tracking Difference: Trackingdifferences.com

8. Fondvolumen – Quy mô quỹ của một ETF

Nếu bạn không muốn đầu tư vào một quỹ ETF dễ bị phá sản, bạn nên xem xét quy mô của quỹ. Con số đối với mình để quyết định chọn ETF nào là tối thiểu 100 triệu EUR.

Quy mô quỹ lớn cũng mang lại lợi thế cho bạn.

Đầu tiên là tính kinh tế theo quy mô (Economies of scale, Skaleneffekte) tức là chi phí sẽ được dàn trải giữa các cổ đông. Càng nhiều cổ đông, chia đều ra thì chi phí sẽ càng ít.

Ngoài ra, quy mô quỹ lớn cũng có nghĩa là có nhiều cổ phiếu và do đó tính thanh khoản trên thị trường cao. Cổ phiếu sẽ dễ dàng để mua hoặc bán hơn.

Ví dụ đọc tên một số ETF

iShares Core MSCI World UCITS ETF USD (Acc): một ETF của iShares (Blackrock), mô phỏng chỉ số MSCI World với đơn vị tiền tệ là US-Dollar, theo tiêu chuẩn UCITS và cổ tức sẽ được tái đầu tư.

Bây giờ bạn thử đọc tên các ETF này xem:

  • iShares Core MSCI Emerging Markets IMI UCITS ETF (Acc)
  • iShares Core FTSE 100 UCITS ETF (Dist)
  • Vanguard FTSE All-World UCITS ETF (USD) Accumulating
  • iShares MSCI World ESG Enhanced UCITS ETF USD (Acc)

Lưu ý, tên một số ETF như Vanguard FTSE All-World UCITS ETF (USD) Accumulating sẽ có cách viết, cách đặt tên ETF hơi khác một chút so với thông tin mình nêu trong bài viết.

Trang này giúp bạn kiểm tra các chỉ số mà mình đã nêu: justetf.com

Kết bài

Khi mới bắt đầu, bạn sẽ bị choáng ngợp với vô số thuật ngữ mới trên thị trường chứng khoán. Trong bài viết này, mình đã giới thiệu cho bạn tất cả các từ viết tắt trong tên ETF và tất cả các thuật ngữ quan trọng bạn cần biết về ETF.

Mình thực sự hy vọng rằng bài viết này đã giúp bạn phần nào.

Nhớ bấm theo dõi để đọc những bài viết tiếp theo nhé. Cảm ơn bạn đã đọc bài.

spinner - Đầu tư ETF ở Đức: những thuật ngữ bạn cần biết trước khi đầu tư

Nguồn tham khảo trong bài viết:


Nếu thích Blog này, hãy Ủng hộ để Blog có thể tiếp tục hoạt động nhé!

Mục Gợi Ý tổng hợp các sản phẩm, dịch vụ mình đang sử dụng. Các bạn có thể tham khảo.

Vui lòng đọc trước mục Cộng tác-Bản quyền trước khi sao chép hoặc trích dẫn nội dung Blog.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *