Du học sinh Đức: làm thêm có đủ sống?

Trước khi bắt đầu thì mình hy vọng bạn đọc đừng áp đặt những định kiến về du học sinh, cũng như chuẩn bị sẵn tinh thần:

  1. Không phải chỉ có con nhà giàu mới đi du học được
  2. Sống được ở đây nghĩa là có nơi để ở, có cơm để ăn, có quần áo để mặc, chứ không phải là có tiền để ăn chơi bar club, nhà hàng, du lịch hàng tháng
  3. Bạn không ngại việc đi làm thêm, kể cả đó là những công việc nặng nhọc chân tay
  4. Có thể sẽ phải thi ít môn hơn trong một kỳ và có thể kéo dài số kỳ học
  5. Không phải tất cả du học sinh đều là “đỉnh của chóp”, đều có thể vừa học vừa kiếm tiền mà điểm vẫn cao chót vót. Tụi mình cũng chỉ là con người có 24h mỗi ngày thôi.

Nếu bạn chuẩn bị sẵn sàng rồi, thì chúng ta bắt đầu thôi!

Chi phí sinh hoạt hàng năm

Đây là số liệu do mình ghi lại trong hơn 2 năm gần đây thông qua việc sử dụng ứng dụng quản lý chi tiêu MoneyLover. Thành phố mình ở là thành phố cỡ vừa của Đức, không lớn không bé. Nếu ở thành phố lớn, chi phí sinh hoạt sẽ tăng nhưng bù lại lương tối thiểu bạn nhận được cũng cao hơn. Nếu ở thành phố nhỏ thì ngược lại, cơ hội việc làm sẽ ít hơn nhưng chi phí nhà ở sẽ rẻ hơn.

  • Phí ăn ở tiết kiệm: 600€ * 12 tháng = 7.200€
  • Phí nộp cho trường hằng năm nếu bạn học trường công và không học bang Baden-Württemberg (chưa có vé tàu): khoảng 150 mỗi kỳ * 2 =300€
  • Vé tàu: 160€ mỗi kỳ * 2 = 320 (có học kỳ mình chỉ đi xe đạp thì không tốn tiền, nhưng có kỳ phải làm ở công ty xa chỗ ở thì mình phải mua vé tàu)
  • Gia hạn: 50€ ( vì 2 năm mới gia hạn một lần, mỗi lần 100€)
  • Các khoản phát sinh khác: như sách vở, máy tính, các khóa học, áo quần giày dép tránh rét mùa đông, mát mẻ mùa hè hay một chuyến du lịch tiết kiệm .v.v : khoảng 500€ – 1.000€

=> Tổng một năm: 8.370€ – 8.870€. Tính theo tỷ giá 27 thì sẽ khoảng 226 triệu – 240 triệu VNĐ mỗi năm. Con số này ít với số tiền mà bạn phải có trong tài khoản khóa để chứng minh tài chính nếu muốn du học Đức: tối thiểu là 10.236 EUR, (tức 853 EUR/tháng)

Vậy nếu làm thêm ở Đức bạn kiếm được bao nhiêu tiền?

Đoạn dưới này áp dụng cho trường hợp bạn được phép đi làm sau một năm ở Đức, hoặc sau khi đã hoàn thành chương trình dự bị đại học. Với những bạn đang học dự bị đại học (STK), bạn chỉ được phép làm trong kỳ nghỉ lễ. Nên có thể năm đầu tiên bạn sẽ cần sự trợ giúp của gia đình.

Đi làm thêm trong năm

Thông thường ở Đức, sinh viên sẽ được đi làm thêm tối đa 20h/tuần và tối đa là 120 ngày (hoặc 240 nếu làm nửa ngày). Mỗi giờ bạn sẽ được trả tối thiểu 9,60€ (đây là mức lương tối thiểu tính từ 01.07.2021, nó sẽ tăng lên 10,45€ từ 01.07.2022). Mình sẽ lấy trung bình là 10€/h nhé.

Mỗi tháng, nếu làm tối đa 80 tiếng, bạn sẽ được: 800€ brutto, brutto là tiền lương trước thuế và các khoản bảo hiểm. Thế nhưng, thực chất số tiền bạn nhận được sẽ là số tiền sau khi bị trừ các khoản đó, gọi là netto. Khi làm Werkstudent nếu thu nhập trên 450€ một tháng, bạn sẽ phải đóng một khoản bảo hiểm hưu trí (Rentenversicherung) thường là 9,30% lương. Vậy số tiền bạn nhận được sẽ là: 800€ * (100-9,30)% = 725,60€. (tương đương 8.707€ mỗi năm). Con số này đủ cho bạn chi trả chi phí sinh hoạt hàng tháng.

Trong trường hợp bạn làm hơn 9.744€ mỗi năm, tương đương với 812€/tháng, bạn sẽ phải đóng thêm tiền thuế (Lohnsteuer)

9.744€ là Grundfreibetrag, tức là tổng thu nhập được miễn thuế hàng năm. Nếu làm quá, bạn sẽ phải đóng thuế.

Bạn yên tâm, nếu hằng năm bạn khai thuế (Steuererklärung) thì số tiền thuế này sẽ được nhận lại. Nên tạm thời mình không tính vào đây.

Nhưng, 20h/ tuần tương đương với 2 ngày rưỡi đi làm. Việc cân bằng giữa học và làm không hề đơn giản. Lúc này phải xem khả năng của bạn đến đâu, có thể chịu đựng được áp lực giữa việc học và làm hay không.

Nhiều vị trí người ta chỉ nhận sinh viên làm 450€/ tháng, hay còn gọi là Minijob. Minijob sẽ không bị trừ thuế hay các khoản bảo hiểm. Nếu chỉ làm Minijob trong năm, số tiền bạn kiếm được là 5.400€, với số tiền này bạn không thể chi trả được tất cả các khoản chi phí sinh hoạt.

Đi làm thêm thời gian hè

Thông thường, một học kỳ ở Đức kéo dài 6 tháng, trong đó 3 tháng sẽ có tiết học, 3 tháng còn lại sẽ chia thành các đợt thi hoặc thi xong một lượt và được nghỉ hè. Rất tiếc trường mình (KIT) lại thuộc dạng thứ nhất là kỳ thi kéo dài trong 3 tháng đó luôn *so sad* 🙁

Bạn mình học trường khác thì cứ mỗi kì, thi xong hết các môn, trường bạn sẽ được nghỉ 2 tháng. Trong 2 tháng này, các bạn được làm full 40h/ tuần. Nếu tính trung bình 10€/h, vậy bạn có thể kiếm: 1.450€ mỗi tháng. Nhưng, sinh viên mỗi năm chỉ được phép làm tối đa 120 ngày. Vậy thì dù bạn có làm full 2 tháng thì số ngày còn lại trong năm cũng vẫn là 120 ngày – 2*20 (mình tính trung bình 1 tuần làm 5 ngày, 1 tháng 4 tuần) = 80 ngày.

Tức là số tiền tối đa bạn có thể kiếm mỗi năm (ví dụ 10€/h) vẫn là: 10€ * 120 ngày * 8h = 9.600 € brutto. Sau khi trừ bảo hiểm hưu trí: 8.707 € netto.

Vậy, dù bạn làm dài trải 120 ngày trong năm hay tập trung làm 2 tháng hè còn 80 ngày còn lại làm ít giờ hơn thì tối đa bạn vẫn chỉ có thể kiếm 8.707€ mỗi năm nếu mức lương mỗi giờ bạn nhận là 10€.

Nhưng 10€ chỉ là mức lương tối thiểu

Có cách nào kiếm hơn 10€/h không?

Có. Bạn có thể tham khảo bài viết này của mình về các công việc làm thêm ở Đức:

2 năm ở Đức, 10 công việc làm thêm

  • Nếu làm bồi bàn, ngoài tiền lương tối thiểu thì bạn sẽ có thêm tiền bo vài euro mỗi giờ
  • Công việc Hiwi ở trường: 10,50€ – 12€/h
  • Nếu làm vị trí Werkstudent ở các công ty: mức lương tối thiểu các công ty trả là 11,50€/h, thông thường là 12-15€/h
  • Nếu làm ở các xưởng sản xuất: 15-16€/h (nhưng công việc này khá vất vả)
  • Làm gia sư: mức lương từ 12-15€/h

Giả sử bạn đi làm với mức lương 12€/h, vậy một năm bạn sẽ kiếm được: 12€ * 960h * (100-9,30)% = 10.448€ (960h =120 ngày * 8h)

Nếu bạn may mắn được nhận thực tập ở các công ty lớn, được trả lương thì hàng tháng trừ thuế các kiểu bạn vẫn có thể nhận được 1.000€ – 1.500€/tháng, 3 tháng là 3.000 – 4.500€. Số tiền này đủ để bạn trang trải vài tháng tiếp theo rồi. Thực tập ở Đức sẽ chia làm 2 dạng: bắt buộc và tự nguyện. Với thực tập bắt buộc, số ngày làm sẽ không tính vào 120 ngày, còn với thực tập tự nguyện thì sẽ bị tính. 120 ngày tương đương với 6 tháng nếu bạn đi làm fulltime 5 ngày/tuần.

Đó là những cách hợp pháp, làm đúng giờ theo luật Đức. Còn những trường hợp làm nhiều nhưng khai ít, thì “3 chấm” mình nghĩ bạn tự hiểu, mình không cần phải giải thích ha 😉

Ngoài ra, nếu bạn có nguồn thu nhập khác như bán hàng xách tay Đức – Việt, làm youtuber, blogger hay các nguồn thu nhập thụ động khác thì việc chi trả cho cuộc sống là hoàn toàn khả thi.

via GIPHY

Kết luận

  • Tổng chi phí sinh hoạt mỗi năm có thể là: 8.370€ – 8.870€
  • Nếu làm 80h/ tháng, 10€/h, bạn sẽ cầm tay: 8.707€ mỗi năm
  • Nếu làm 80h/tháng, 12€/h, bạn sẽ cầm tay: 10.448€ mỗi năm
  • Nhưng 80h làm mỗi tháng là con số không hề nhỏ, đòi hỏi sự nỗ lực và cố gắng rất lớn.
  • Nếu bạn làm ít giờ hơn, thì mức lương mỗi giờ phải từ 12€ trở lên, may ra mới đủ chi trả cho cuộc sống.
  • Nhiều nơi họ chỉ nhận sinh viên làm 450€ mỗi tháng. Vì vậy, phải xem xét kỹ công việc, công ty.

Vậy cái bạn nhận được, nếu du học theo kiểu tiết kiệm này là gì:

  • Tinh thần trách nhiệm
  • Sự tự lập
  • Va chạm với cuộc đời và có thêm trải nghiệm sống
  • Học được kỹ năng quản lý tài chính
  • Học được cách để trưởng thành

Cái bạn mất:

  • Cuộc sống sẽ rất vất vả, cô đơn, hết học là làm thôi
  • Việc học có thể sẽ bị ảnh hưởng nếu làm việc quá nhiều
  • Xa gia đình và không có nhiều thời gian cho gia đình
  • Các mối quan hệ ở Việt Nam nhiều lúc sẽ lạnh nhạt dần

Cuộc đời mà, cái gì cũng có giá của nó. Quan trọng là bạn lựa chọn như thế nào mà thôi, và liệu rằng lựa chọn đó có đáng để bạn theo đuổi hay không?! Với nhiều người, đi làm thêm là bắt buộc, vì không làm thì không ai nuôi, bố mẹ không thể chu cấp. Còn với người khác, thì đó chỉ là trải nghiệm, làm cũng được, không làm thì có người chu cấp. Mỗi người một hoàn cảnh, nên mình mong các bạn sẽ xác định được mình thuộc trường hợp nào. Làm thêm sẽ chi trả được cuộc sống, nhưng bù lại những năm tháng tuổi trẻ của bạn có thể sẽ rất cô đơn.

Và mình mong các bạn hiểu rằng, tiền bạc là công cụ, chứ không phải đích đến. Đích đến của việc du học là để học, là tri thức, là trải nghiệm. Cố gắng học ắt có ngày “không thành công thì cũng thành nhân”!

Bình luận phía dưới nếu bạn muốn chia sẻ câu chuyện của bạn nhé!

Hạnh


Nếu thích Blog này, hãy Ủng hộ để Blog có thể tiếp túc hoạt động nhé!

Mục Gợi Ý tổng hợp các sản phẩm, dịch vụ mình đang sử dụng. Các bạn có thể tham khảo.

Vui lòng đọc trước mục Cộng tác-Bản quyền trước khi sao chép hoặc trích dẫn nội dung Blog.

2 comments

  1. Chị ơi em có thắc mắc. Em trót dại báo ốm của công ty chính, có giấy xác nhận ốm của bác sĩ rồi nhưng vẫn đăng ký đi làm thêm bên ngoài trùng ngày với ngày ốm. Vậy theo luật bên đức em sẽ bị gì nếu bên Amt truy ra ạ?

    1. Nếu bên cty chính không phát hiện ra thì không sao. Em làm thêm chỗ ngoài kia nếu chỉ ghi tổng số giờ làm trong tháng thôi chứ cũng ko ghi rõ ngày nào thì chắc là không truy ra được.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *