Du học Đức: Quá trình tìm việc của mình khi đang học tại Đức

Đây là bài viết mà mình ấp ủ từ rất lâu. Nhân dịp được một em nhắn hỏi, mình cũng muốn viết lại, coi như là tổng kết lại quá trình, tưởng không dễ mà hóa ra không dễ thật. Mình không dám nói là kinh nghiệm gì cho cao siêu, Blog này mình chỉ chia sẻ lại quá trình mình tìm việc khi đang là du học sinh ở Đức

1. Các khái niệm liên quan

Werkstudent (Eng: working student) là những bạn sinh viên của một trường đại học, được nhận vào làm việc chuyên môn ở một công ty. Werkstudent bị giới hạn giờ làm, tối đa 20 tiếng 1 tuần. Mức lương được nhận thông thường sẽ cao hơn mức lương tối thiểu.
Praktikum (Eng: internship): thực tập. Ở Đức chia thành 2 loại: Freiwilliges và Pflichtpraktikum (Thực tập tự nguyện và thực tập bắt buộc). Thực tập bắt buộc là dạng thực tập mà trong chương trình học đại học, bạn phải làm để đủ điều kiện tốt nghiệp. Thực tập tự nguyện là dạng thực tập không có trong chương trình học chủ yếu bạn muốn làm thực tập để có thêm kinh nghiệm làm việc. Nếu làm thực tập, bạn sẽ phải đi làm như một nhân viên bình thường của công ty là 8 tiếng mỗi ngày, 5 ngày/tuần. Riêng với thực tập bắt buộc, công ty có quyền không trả lương cho bạn.

Cá nhân mình, lúc đó mình đang cần tìm một thực tập bắt buộc cho trường. Nhưng trúng đợt dịch, vị trí Praktikum mình muốn nộp rất ít nên mình đổi chiến thuật sang tìm cả Werkstudent luôn. Theo mình thấy thì những vị trí cho Werkstudent thường nhiều hơn Praktikum, và nếu được nhận Werkstudent rồi, bạn hoàn toàn có thể hỏi công ty xem có thể cho bạn làm Praktikum sau đó được không?!

 2. Xác định mình muốn làm việc ở mảng nào

Việc này cực kỳ quan trọng. Với mình, công việc mình hướng tới sẽ là kết quả của 3 câu hỏi:
– Mình có khả năng gì có thể đáp ứng công việc? → Năng lực
– Mình có thích công việc đó không? → Đam mê
– Xã hội có cần công việc đó không? → Tiền
Đấy, phải trả lời được 3 câu hỏi này thì mới chuyển tới những bước phía dưới.

3. Các trang web tìm việc

Mình tìm ở LinkedIn, StepStone, Indeed, vào thẳng trang web của công ty mình muốn ứng tuyển để tìm… hoặc đơn giản là google. Sau khi tìm thấy vị trí phù hợp thì mình sẽ vào trang web của cty để kiểm tra xem vị trí đấy còn không. Cũng như xem qua công ty làm về lĩnh vực nào và mình có hứng thú với lĩnh vực đó hay không.
Mà thường với vị trí đầu tiên, chủ yếu được đi làm để có kinh nghiệm là mừng rồi. Không đòi hỏi nhiều!
Với LinkedIn mình để chế độ “offen für Jobangebote” (“mở cho các lời mời làm việc”, haizza dịch ra tiếng Việt buồn cười ghiaaa). Còn StepStone hay các trang kiếm việc còn lại mình để chế độ nhận thông báo khi có vị trí liên quan để không bỏ lỡ bất kỳ vị trí mới nào.

4. Chuẩn bị hồ sơ

Hồ sơ thông thường sẽ bao gồm: Lebenslauf (Eng: CV, Resume, Sơ yếu lý lịch), Motivationsschreiben (Eng: Cover letter, thư động lực). Tùy công ty mà họ sẽ yêu cầu nộp thêm bảng điểm, Arbeitszeugnis (Eng: certificate of employment, chứng chỉ làm việc), Studienbescheinigung (chứng nhận sinh viên) …
Quan trọng nhất vẫn là CV và thư động lực. Có vài công ty mình nộp chỉ cần 2 thứ này. Công ty hiện tại mình đang làm cũng không cần mình nộp bảng điểm.
Nhưng mà bảng điểm cao thì vẫn tốt nhé. Với những bạn chưa có kinh nghiệm gì, thì một bảng điểm tốt chứng tỏ bạn cũng là người có năng lực.
Tham khảo cách mình viết CV tại Blog: Mình đã được mời phỏng vấn với CV này

5. Nộp hồ sơ

Có thể nộp trực tiếp trên hệ thống công ty, hoặc nộp qua mail đính kèm file… Tùy vào công ty muốn ứng viên nộp thế nào. Chú ý, nếu viết mail thì nên viết đúng ngữ pháp, suy nghĩ kỹ trước khi viết.
Với mình thì mình không rải hồ sơ, mà chọn lọc những vị trí phù hợp để nộp. Đợt tìm việc vừa rồi, mình nộp 10 vị trí và được 5 lời mời phỏng vấn. Những chỗ từ chối mình, lý do là: vị trí đó đã nhận được người phù hợp hoặc ngành học của mình, những môn mình học không đáp ứng đủ cho vị trí họ yêu cầu.
→ nộp càng sớm càng có nhiều cơ hội
→ “biết mình biết ta” phải hiểu bản thân muốn làm ở vị trí nào để có thể đầu tư bản thân học thêm những kỹ năng giúp ích cho việc ứng tuyển
→ không nên rải đơn mà chọn vị trí phù hợp để nộp. Việc rải đơn nhiều, đến lúc nhận từ chối hoài sẽ làm bản thân buồn và thất vọng. Thay vào đó, hãy chọn lọc vị trí phù hợp, công việc mục tiêu mà mình muốn làm trong tương lai để nộp.
→ Tùy từng công ty và vị trí mà điều chỉnh lại CV và Motivationsschreiben cho phù hợp.

6. Đợi chờ

Cái này tùy vào từng công ty. Có công ty mình nộp thì hôm sau trả lời luôn, có chỗ cả tuần, cả tháng sau.

via GIPHY

7. Bị từ chối

Lần đầu bị từ chối mình cũng hơi buồn, nhưng mà từ từ sẽ quen 😀 . Miễn là đừng để mất tinh thần thì sớm muộn gì cũng sẽ tìm được việc thôi. 

8. Được mời phỏng vấn

Yessss! Đến đây có nghĩa là hồ sơ của bạn đã qua được vòng “gửi xe” rồi. Thông thường, các công ty sẽ viết mail cho mình thông báo và hỏi mình có thời gian vào ngày đó để phỏng vấn hay không. Đừng quên cảm ơn và nhớ viết đúng ngữ pháp. 😀
Lúc này là thời điểm bạn nên tìm hiểu kỹ hơn về công ty, chuẩn bị phần giới thiệu bản thân thật suôn sẻ, thú vị, và một tinh thần thoải mái, tự tin nhất có thể.
Cứ coi tìm việc như tìm người yêu ý. Có người thích mình nhưng mình không thích, có người mình thích lại méo thích mình. Đấy, công việc cũng thế! Mình cần việc nhưng mà công ty cũng cần người. Vậy nên, phải tự tin lên!

9. Phỏng vấn

Đa số mình chỉ phỏng vấn 1 vòng là nhận kết quả. Cũng có một ví trí, mình phải phỏng vấn 2 vòng vào 2 ngày khác nhau. Các cuộc phỏng vấn của mình thường chỉ diễn ra trong 30 phút, cũng có phỏng vấn 45 phút và 1 phỏng vấn kéo dài 1 tiếng đồng hồ.
Trong 5 phỏng vấn mình được mời thì có 3 cái là gọi điện video qua MS Teams, và 2 cái là tới công ty phỏng vấn trực tiếp.
Mục này hơi dài nên mình sẽ chia sẻ ở một Blog khác về những câu hỏi mà mình được hỏi cũng như mình đã chuẩn bị thế nào cho cuộc phỏng vấn. Nhưng cơ bản là: chuẩn bị tốt + bình tĩnh, tự tin “bung hết sức mình” là được!

10. Đợi kết quả

Được nhận thì vui mà bị từ chối cũng kệ đi. Cứ chai mặt, không chỗ này thì nộp chỗ kia, đến cuối cùng cũng sẽ có chỗ nhận mình thôi. Còn chưa có nơi nào nhận thì chưa phải cuối cùng. Cùng lúc đó cũng nên dành thời gian để học thêm những kỹ năng mà ngành nghề bạn yêu cầu. Có kiến thức, có năng lực thì vứt đâu cũng không sợ, nhé!
Lúc được nhận thì mình được gọi điện thông báo, hehe cảm giác lúc đó vui kinh khủng, cuối cùng thì mọi cố gắng cũng được đền đáp.

via GIPHY

Dù được nhận ví trí đó rồi, nhưng mình vẫn nộp và vẫn phỏng vấn tiếp công ty khác trong thời gian suy nghĩ ký hợp đồng để có thêm kinh nghiệm phỏng vấn cũng như tìm kiếm thêm cơ hội. Cái gì chưa quen, chưa tốt thì cứ làm nhiều thì sẽ quen, sẽ tốt lên.

Cuối cùng thì mình chúc bạn sẽ giữ vững tinh thần, bị từ chối một vài lần cũng không sao. Nhưng phải đọc và xem lại CV mình viết vậy ổn chưa, nhờ người có kinh nghiệm sửa cho càng tốt. Đồng thời nên học thêm (càng giỏi càng tốt) những kỹ năng mà nghề nghiệp bạn hướng tới yêu cầu. Lúc bạn giỏi cái gì đó rồi thì công việc sẽ “tự nhiên” mà đến.

Nhớ giữ gìn sức khỏe để vượt qua mùa dịch này nữa nhé!


Nếu thích Blog này, hãy Ủng hộ để Blog có thể tiếp túc hoạt động nhé!

Mục Gợi Ý tổng hợp các sản phẩm, dịch vụ mình đang sử dụng. Các bạn có thể tham khảo.

Vui lòng đọc trước mục Cộng tác-Bản quyền trước khi sao chép hoặc trích dẫn nội dung Blog.

3 comments

  1. Mình thấy phần lớn ở đây mọi người đều qua đó đi học rồi đi làm. Vậy cho mình hỏi trường hợp mà hiện tại đang ở Việt Nam mà muốn xin việc trực tiếp sang bên đó thì cần những điều kiện gì như: học bổ xung tiếng Đức (hay có thể xin pvan trực tiếp bằng tiếng anh), bằng cấp / chứng chỉ ở bên này thì sang đấy có được công nhận ko hay chỉ cần họ pvan đạt chuyên môn là được. Mình đang làm về lĩnh vực kĩ thuật, tự động hoá nhà máy ô-tô nhưng tìm job về automation thì bên đấy lại thiên về bên software nhiều hơn ấy, nên mình tìm job cũng khá khó. Bạn có thể cho mình xin một vài lời khuyên được ko? Mình cảm ơn !!!

    1. Chào Hiếu,
      mấy hôm nay nghỉ lễ nên giờ mình mới trả lời bạn được. Thông thường mình cũng thấy mọi người đi học rồi đi làm bên này. Theo như mình biết, nếu một công ty ở Đức nhận bạn làm việc thì họ sẽ hỗ trợ bạn giấy tờ visa cũng như bên phía sở ngoại kiều bên này, nên việc quan trọng nhất vẫn là tìm được một công ty ở Đức sẵn sàng nhận bạn.

      Về lĩnh vực kỹ thuật ô tô thì mình không có kinh nghiệm gì nên không thể trả lời bạn được, bạn có thể tham gia vào nhóm trên Facebook Hội sinh viên Việt Nam tại Đức và viết bài lên đó để nhận được tư vấn nhé.

      Chúc bạn thành công!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *